Nhận biết những dấu hiệu da mặt bị nám
Nhận biết những dấu hiệu da mặt bị nám là một điều vô cùng quan trọng, trong việc gìn giữ và phục hồi làn da trắng sáng và đều màu của chị em phụ nữ.
Nói về nám da, thạc sỹ bác sỹ Lê Thị Thanh Hương cung cấp thông tin như sau: “Nám da là một vấn đề về da rất phổ biến trên làn da phụ nữ trên 40 tuổi. Hiện nay nám đang có xu hướng trẻ hóa lứa tuổi mắc phải, nghĩa là những cô gái đôi mươi cũng có thể bị nám. Nám không gây đau, ngứa, không nổi cộm mà chỉ là sự xuất hiện của các vết tương tự vết bớt lành tính trên da. Có nhiều cách điều trị nám da, nhưng không phải cách nào cũng mang lại hiệu quả.

Tình trạng nám da hình thành do sự hoạt động mạnh của các sắc tố melanin. Đây là một loại hắc tố sẵn có dưới da, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng trong thời gian dài hoặc do di truyền v.v…các melanin sẽ sản sinh nhiều hơn và tập trung lại thành từng vùng không đều dưới da, khiến da bị sẫm màu thành từng mảng (không lốm đốm như tàn nhang) gây mất thẩm mỹ. Nếu không điều trị sớm, các mảng nám sẽ ngày càng lan rộng và ăn sâu vào da, rất khó để mà loại bỏ hoàn toàn”.
Vậy, nhận biết da mặt bị nám có khó hay không? Câu trả lời là không, vì đây chỉ là vấn đề ngoài da thôi nên bằng mắt thường, bạn hoàn toàn có thể kiểm tra da mặt của mình có vết nám nào không. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo tính chính xác bạn nên đi đến các trung tâm chăm sóc sắc đẹp để được soi da, việc làm này không chỉ giúp bạn ngăn ngừa sự hình thành nám mà còn nhận biết được tình trạng nám nặng hay nhẹ để sớm điều trị.
I. Các dấu hiệu da mặt bị nám và cách nhận biết
Cũng như các vấn đề về da khác, nám da không ảnh hưởng gì đến sức khỏe bên trong của bạn, nên khi bị nám, bạn sẽ không cảm thấy cơ thể mình có những thay đổi gì, cảm thấy như thế nào. Những dấu hiệu của nám da mặt đều thể hiện lên bề mặt da.
1. Biểu hiện của nám da
Triệu chứng đầu tiên của nám là lớp biểu bì sẽ bị biến sắc hoặc hư tổn, thô ráp. Các mảng nám dần xuất hiện, thường có màu gần với màu cà phê, càng ngày càng lan rộng và sẫm màu hơn.

Mỗi người sẽ có mức độ bị nám khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng, chế độ dinh dưỡng, tính chất công việc. Những người sức khỏe không tốt, có tiền sử các bệnh về da hay tính chất công việc đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ bị nám nặng hơn những người khác. Ngoài ra, có một yếu tố nữa cần lưu ý, đó là các bạn gái có làn da trắng, mỏng sẽ dễ bị nám hơn và khi đã bị nám thì các vết nám cũng dễ trông thấy hơn.
2. Những vị trí mà nám da thường xuất hiện
Tương tự như tàn nhang, nám da sẽ thường phân bố ở các khu vực có làn da mỏng nhất trên mặt, cụ thể là sống mũi, hai bên má, môi v.v…Nám da cũng không xuất hiện rải rác như tàn nhang mà tập trung lại thành từng mảng không theo một quy luật nào, các vết nám tròn, khá nhỏ phân bố không đều.
Có một dấu hiệu đặc trưng mà các chị em đã hoặc đang bị nám chia sẻ, đó là các mảng nám rất thường hay xuất hiện ở hai bên gò má. Sở dĩ có hiện tượng đó là vì gò má là nới dễ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhất, nám trên gò má lúc nào cũng sẽ sậm màu hơn nám ở các vị trí khác.
3. Phân loại nám
Cũng theo bác sĩ Hương, trong quá trình điều trị, nám da sẽ được chia làm hai loại: nám thường và nám chân sâu. Có thể phân biệt chúng bởi các dấu hiệu như sau:
#Nám thường
Nếu kết quả soi da cho thấy bạn bị nám thường, thì có nghĩa là tình trạng nám của bạn còn nhẹ, có thể chữa trị được. Nám thường sinh ra do sự hoạt động quá mức của các melanin ở lớp trung bì và thượng bì. Các vết nám sẽ sậm màu hơn khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Da mặt bị nám thường sẽ có các dấu hiệu như sau:
- Các vết nám thường sẽ có màu nâu nhạt hoặc nâu vàng đậm nhạt tùy theo tone da.
- Xuất hiện chủ yếu ở những vùng da hở, dễ bắt nắng như cổ, trán, mũi, bắp tay v.v…

#Nám chân sâu
Nám chân sâu hay còn được gọi là nám đốm, đây là dạng nám có chân rất khó điều trị, được hình thành do sự hoạt động mạnh của các sắc tố melanin tích tụ lại ở lớp hạ bì. Nếu người bị nám tiếp tục không bảo vệ da mặt đúng cách, không điều trị thì các chân nám sẽ tự thân nó sản sinh ra các hắc tố. Dấu hiệu da mặt bị nám chân sâu có thể kể đến như sau:
- Trên da xuất hiện các đốm tròn, nhỏ có thể phân bố rải rác hoặc tập trung tùy trường hợp.
- Nám chân sâu có màu xám, xanh xám những thường thấy nhất là màu nâu sẫm, đen sẫm đậm hơn nám thường khá nhiều.
- Kích thước mỗi chấm nám to hơn đầu đũa ăn cơm.
Đối tượng dễ bị nám chân sâu nhất là phụ nữ sau 30 tuổi, vừa mới sinh nở hoặc đang ở thời kì mãn kinh. Loại nám này ăn sâu vào lớp hạ bì nên khả năng điều trị dứt điểm gần như không có. Khi bị nám chân sâu, các chị em thường dùng các loại kem trị nám da mặt vì có tác dụng khá nhanh.

II. Những việc cần làm để ngăn ngừa nám da
Người xưa có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, câu này càng đúng hơn đối với vấn đề nám da vì dù là nám thường hay nám chuyên sâu đều cần có thời gian dài để điều trị. Vậy tại sao chúng ta không chủ động ngăn cản sự hình thành của nám bằng các việc rất đơn giản sau đây:
- Tia UV có trong ánh nắng mặt trời là kẻ thù số một của làn da mỏng manh của phụ nữ. Vì vậy bạn cần hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bằng cách thoa kem chống nắng hằng ngày, che chắn kỹ khi ra đường để bảo vệ da.
- Làm sạch da là một việc không thể thiếu trong tất cả các bước chăm sóc da mặt. Da mặt sạch không những không có chỗ cho tế bào chết bám lấy da mà còn giúp ngăn ngừa nám da từ bên ngoài.
- Một chế độ ăn uống hợp lý, giàu rau xanh và trái cây (đặc biệt nên ăn nhiều những loại quả chứa nhiều vitamin C) là cách ngăn chặn sự hình thành của nám rất tốt.
- Cuối cùng nhưng cũng không kém quan trọng, đó là bạn phải uống đủ nước mỗi ngày thì da mới có thể căng mướt, khỏe mạnh để có thể “chiến đấu” các melanin gây nám da.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao nhẹ nhàng sẽ giúp quá trình chuyển hóa các chất diễn ra nhanh hơn, khiến da trở nên hồng hào hơn, giảm thiểu khả năng hình thành hắc tố melanin.

Một làn da trắng mịn, đều màu luôn là mơ ước của phụ nữ, vì vậy nám da dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng lại là “kẻ thù” rất đáng ghét. Do đó việc hiểu rõ các dấu hiệu da mặt bị nám để sớm điều trị khi chân nám chưa hình thành sâu trong da là vô cùng cần thiết.
Chịu trách nhiệm nội dung: Thư Nguyễn
Tham khảo thêm: Trị nám da ở tuổi 30, các cách phổ biến
Bình luận (0)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!