Trị nám da bằng màng sinh học có hiệu quả như đồn thổi?
“Trước đây mình chỉ biết đến laser trị nám da thôi, nhưng dạo này trên các diễn đàn làm đẹp có nhiều thông tin cho rằng trị nám da bằng màng sinh học cho hiệu quả rõ rệt chỉ sau một lần áp dụng. Vì mọi người chỉ đồn thổi về hiệu quả chứ không có thông tin cụ thể về phương pháp này nên mình chưa dám thực hiện.
Trước đây mình định laser nhưng bác sĩ khuyên không nên thực hiện vì da mình nhạy cảm và dễ bị sẹo, do đó mình mong muốn tìm kiếm một phương pháp thẩm mỹ xâm lấn khác để thay thế. Hy vọng ban biên tập tư vấn giúp mình về phương pháp trị nám da bằng màng sinh học và những điều cần lưu ý khi thực hiện.”
Vũ Như Trang, 32 tuổi, Đồng Nai
Chào bạn!
Phương pháp trị nám da bằng màng sinh học khá phổ biến ở các nước phương Tây nhưng ở Việt Nam, phương pháp này chỉ mới nổi lên trong những năm gần đây. Không chỉ có bạn mà còn rất nhiều bạn đọc quan tâm đến vấn đề này, chúng tôi sẽ giải đáp các thắc mắc đó trong bài viết sau đây.

Trị nám da bằng màng sinh học có hiệu quả không?
Trị nám da bằng màng sinh học, tên tiếng anh: Chemical Peeling , gọi tắt là peeling. Phương pháp này dùng dung dịch một loại acid bôi lên da, để trong một thời gian nhất định sau đó dung hòa bằng dung dịch bazo. Các acid này có nồng độ cao, sẽ đào thải những tế bào chết và lớp sừng trên bề mặt, kích thích tế bào da mới hình thành. Với cơ chế này, peeling sẽ giải quyết được các vấn đề về sắc tố, mụn và lão hóa.
Đây được xem là phương pháp hoàn hảo để thay thế laser, vẫn đảm bảo được hiệu quả điều trị nhưng peeling ít kích ứng hơn, chi phí điều trị thấp và ít gây ra các hệ lụy nguy hiểm. Thực chất peeling đã xuất hiện vào những năm 90 của thế kỷ trước tại châu Âu, châu Mỹ, đây được xem là phương pháp thẩm mỹ phổ biến nhất tại Mỹ.
Tùy vào nhu cầu điều trị mà các bác sĩ sẽ lựa chọn các loại acid tương ứng, một số loại acid thường gặp như:
- AHAs (Alpha Hydroxy Acid) là một nhóm acid có khả năng tan trong nước và nới lỏng những liên kết của các tế bào da trên bề mặt, giúp loại bỏ lớp sừng một cách nhẹ nhàng mà không cần phải tác động lực quá nhiều. Chính vì khả năng loại bỏ lớp ngoài của da mà các acid thuộc nhóm AHAs có tác dụng chữa trị nám da, tàn nhang và các vấn đề sắc tố khác một cách nhanh chóng.
Một số acid thuộc nhóm AHAs phổ biến như: Glycolic Acid được chiết xuất từ mía đường, Mandelic Acid được tìm thấy trong táo, Lactic Acid có trong sữa hay sữa chua, Acid Citric có trong họ cam chanh,… Tùy vào mức độ nám da mà các chuyên gia sẽ sử dụng loại acid tương ứng với nồng độ thích hợp.
- BHAs (Beta Hydroxy Acid) là nhóm acid có khả năng tan trong dầu, hoạt động hiệu quả trong lỗ chân lông, có tác dụng loại bỏ những bã nhờn, bụi bẩn một cách tuyệt đối. Bên cạnh đó, các acid thuộc nhóm BHAs còn có tác dụng kháng viêm và giảm sưng hiệu quả, nhóm acid này thường được dùng cho da mụn, da có nhiều dầu. Vì có tác dụng loại bỏ những tế bào chết từ bên trong lỗ chân lông nên BHAs còn thúc đẩy hình thành các tế bào mới, gián tiếp giúp làn da sản sinh collagen, duy trì làn da trẻ khỏe, giàu sức sống.
Phái sinh thường gặp nhất của BHAs chính là Salicylic Acid, phái sinh có tác dụng nhẹ hơn là Betain Salicylate – chiết xuất từ củ cải đường hoặc vỏ cây liễu trắng. Người bị dị ứng với aspirin tuyệt đối không được sử dụng các loại acid thuộc nhóm này.
- Tricloacetic Acid là một dạng acid hữu cơ, có khả năng cải thiện bề mặt giống AHAs tuy nhiên Tricloacetic Acid được xem là hoạt chất cải thiện tốt tình trạng nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa trên da. Nếu bạn gặp cả vấn đề về sắc tố và lão hóa, Tricloacetic acid được xem là phương án hoàn hảo nhất.
Các acid này thông thường chỉ được sử dụng với nồng độ dưới 10% với AHAs và dưới 4% đối với BHAs và Tricloacetic acid, nhưng để việc trị nám da bằng màng sinh học đạt được hiệu quả cao, các acid thường được sử dụng với nồng độ rất cao. Do vậy các bạn tuyệt đối không tự ý thực hiện tại nhà mà nên đến các trung tâm thẩm mỹ có uy tín để thực hiện.
Bên cạnh những tác dụng trên, peeling còn dưỡng trắng an toàn và làm đều màu da một cách hiệu quả. Nếu dùng acid thuộc nhóm BHAs, những lỗ chân lông trên da sẽ được thu gọn đáng kể, đồng thời acid này còn có tác dụng cân bằng và kiểm soát lượng dầu làn da tiết ra.
Quy trình thực hiện và lưu ý khi trị nám da bằng màng sinh học
Trước khi thực hiện trị nám da bằng màng sinh học, bạn sẽ được bác sĩ khám để xác định đúng loại da và mức độ nám để quyết định loại acid phù hợp.

❖ Quy trình peeling da như sau:
- Tẩy trang và rửa sạch da mặt bằng sữa rửa mặt có độ pH 5.5
- Lau khô da và dùng kem dưỡng bôi vào các vùng da mỏng như khóe và đuôi mắt, khóe miệng và mũi,…
- Chuyên viên sẽ dùng bông gòn thấm dung dịch bazo để bảo vệ mắt
- Tiến hành thoa acid lên da, theo thứ tự từ trán xuống hai má và cằm
- Sau đó chuyên viên sẽ để trong thời gian từ 2 – 3 phút rồi trung hòa bằng bazo
- Nếu bạn cảm thấy da nóng rát và không thể chịu được nên nói với chuyên viên lập tức trung hòa acid bằng bazo
- Sau khi loại bỏ hết acid trên da, bạn sẽ được đắp khăn lạnh để làm dịu da
Chúng tôi có những lưu ý dành cho các chị em trước và sau khi thực hiện trị nám da bằng màng sinh học, nhằm hạn chế những tác dụng phụ của phương pháp này.
❖ Trước khi peeling:
- Nếu bạn sử dụng acid trong chu trình dưỡng da, nên ngưng ít nhất 3 ngày trước khi thực hiện peeling. Việc sử dụng acid quá thường xuyên dễ khiến da mỏng và nhạy cảm, làm tăng độ kích ứng và mẫn cảm khi thực hiện phương pháp này.
- Nên bổ sung dưỡng chất cho da bằng cách đắp mặt nạ thiên nhiên để phục hồi màng bảo vệ, giúp tăng cường sức đề kháng cho da.
- Bên cạnh đó, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh trước khi thực hiện peeling. Việc thức khuya hay tiếp nạp thực phẩm dầu mỡ, nhiều chất béo sẽ làm cho vết thương trên da khó phục hồi và lâu lành hơn.
❖ Sau khi peeling:
- Sau khi peeling nên ở nhà ít nhất 1 ngày sau đó, không để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nên sử dụng viên uống chống nắng hoặc sản phẩm chống nắng chuyên biệt dành cho da sau khi thực hiện thẩm mỹ xâm lấn.
- Chỉ dùng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng rửa mặt trong 3 ngày đầu, tuyệt đối không dùng những loại sữa rửa mặt có độ pH cao, khiến da bị bào mòn và khô ráp.
- Từ 1 – 5 ngày sau khi peeling, bạn sẽ nhận thấy da khô và sạm lại, điều này hoàn toàn bình thường vì đây chính là dấu hiệu da sắp loại bỏ lớp tế bào bên ngoài. Để hạn chế tình trạng khô căng, có thể sử dụng xịt khoáng hoặc các loại kem dưỡng dịu nhẹ để cấp ẩm cho da. Nếu bạn còn mơ hồ về việc chọn sản phẩm phù hợp, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi chọn mua.
- Hạn chế một số thực phẩm khiến vết thương lâu lành, hoặc làm tăng sắc tố trên da như: thịt bò, hải sản – trừ cá, trứng gà, rau muống,…
- Bổ sung nước và trái cây vào chế độ dinh dưỡng để thanh lọc cơ thể, tăng cường khả năng trao đổi chất, cải thiện làn da một cách hiệu quả.
Nếu tình trạng nám da mặt của bạn không thực sự nặng, chúng tôi không khuyến khích sử dụng các phương pháp thẩm mỹ xâm lấn. Dù độ kích ứng không bằng laser nhưng peeling cũng có những rủi ro nếu không chăm sóc đúng cách như: da sạm đen hơn, vết nám đậm màu, da khô gây nếp nhăn, … Nếu bạn không đảm bảo được việc chăm sóc da sau khi thực hiện trị nám bằng màng sinh học thì không nên áp dụng phương pháp này, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.
Trị nám da bằng màng sinh học là con dao hai lưỡi, do đó chị em nên có những tìm hiểu cụ thể trước khi thực hiện, tránh nghe lời quảng cáo từ các trung tâm thẩm mỹ. Những liệu trình chữa nám từ thiên nhiên tuy hiệu quả chậm nhưng rất an toàn và lành tính, lại tiết kiệm chi phí điều trị. Nên tránh tâm lý nôn nóng muốn nhanh chóng chữa nám mà thực hiện các phương pháp không cần thiết gây tốn kém và làm hại đến da.
Chúc mọi người điều trị thành công !
Phương Thảo
Bạn nên tham khảo:
Bình luận (0)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!